Cảm nhận của Anh Thành Hữu Hà và Angela Schuster

Dự án ViVEXELT giúp lớp học trực tuyến của bạn trở nên sống động hơn

Hãy thử tưởng tượng rằng bạn sẽ đặt một câu hỏi dành cho các giáo viên tiếng Anh rằng họ thích các lớp học truyền thống hay các lớp học trực tuyến hơn, chúng tôi tin rằng chắc chắn câu trả lời sẽ là các lớp học truyền thống (thậm chí câu trả lời này được mặc định như một điều hiển nhiên ngay cả khi bạn chưa trả lời câu hỏi). Mặc dù việc triển khai lớp học trực tuyến được coi như một giải pháp tất yếu trong thời kỳ đại dịch, (bất luận chúng ta muốn hay không), nhiều người trong chúng ta vẫn còn lo lắng về môi trường lớp học điện tử này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhu cầu về lớp học trực tuyến sẽ còn kéo dài trong tương lai và để thích ứng với sự thay đổi này, các giáo viên cần chấp nhận hình thức giảng bài mới này và không ngừng hoàn thiện bản thân với tư cách là một giáo viên trực tuyến.

Dự án ViVEXELT (Vietnam Virtual EXchange for English Language Teaching – Trao đổi Trực tuyến về Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh tại Việt Nam) là sự hợp tác giữa Đại học Coventry (Vương quốc Anh) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (Việt Nam). Dự án cung cấp một chương trình trực tuyến nhằm mở ra cơ hội cho các giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và Vương quốc Anh cùng nhau trao đổi, thảo luận về những thuận lợi và khó khăn của hình thức giảng bài trực tuyến.

Không giống như các lớp học truyền thống, giải pháp trao đổi trực tuyến và lớp học điện tử không có giới hạn về không gian địa lý và chúng có thể giúp gắn kết mọi người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Dự án ViVEXELT đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng này. Nội dung chương trình kéo dài trong 04 tuần (các thành viên tham dự có thêm 01 tuần tùy chọn để thực hành chiêm nghiệm – reflection) đã giúp chúng tôi hình thành nên một cộng đồng gắn kết, nơi mà chúng tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm và trau dồi thêm các kỹ năng bản thân với tư cách là một giáo viên trực tuyến nhằm khởi tạo ra những trải nghiệm học trực tuyến có ý nghĩa, thiết thực hơn cho học sinh ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi thực sự ấn tượng về dự án ViVEXELT vì những lý do sau:

1. Trực tuyến hay truyền thống?

Khi các lớp học truyền thống chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến ở thời điểm bắt đầu đại dịch, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể thích ứng với những gì chúng tôi thường làm trong các tiết học trực tiếp. Việc giảng dạy trực tuyến đòi hỏi tập hợp những kỹ năng khác nhưng chúng chũng không hề dễ dàng để chúng ta xác định chính xác những gì mình cần thay đổi. Theo quan điểm của các học giả Moorhouse, Li và Walsh (2021), năng lực tương tác trực tuyến trong tuần học đầu tiên là một điều rất quan trọng không chỉ bởi nó giúp chúng ta nhận thức được những thách thức đối với hình thức học trực tuyến, mà nó còn cung cấp cho chúng ta thêm một góc nhìn mới, một phân tích chuyên sâu hơn về hình thức giảng dạy trực tuyến này. Đối với nhiều người trong chúng tôi, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được những quan niệm và kinh nghiệm của bản thân về việc dạy học trực tuyến được phản ánh dưới lăng kính của một công trình nghiên cứu khoa học. Bài nghiên cứu này đã trình bày rõ các đặc điểm cấu thành lớp học trực tuyến và giúp chúng tôi suy ngẫm về các hoạt động thực tiễn giảng dạy của bản thân. Chúng tôi cũng có thêm cơ hội để đánh giá lại những kỳ vọng mà chúng tôi đã luôn ấp ủ theo trong quá trình chuyển đổi từ lớp học truyền thống sang lớp học trực tuyến.

2. Sự tham gia và hợp tác

Dự án ViVEXELT cung cấp cho những người tham dự cơ hội tuyệt vời để thực hành các kỹ năng về tương tác trực tuyến và tương tác liên văn hóa. Dự án tạo ra một không gian trực tuyến an toàn cho các thành viên tham dự được bày tỏ quan điểm bản thân và trải nghiệm nhiều lợi ích của hình thức lớp học trực tuyến. Những hành động đơn giản như việc bật camera trên thiết bị và giúp những thành viên khác trong lớp có thể nhìn thấy khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn hay việc bật micro và tham gia phát biểu trong lớp được coi là những cách chính để tham gia vào các lớp học trực tuyến. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhập liệu những thông điệp bản thân thông qua các cuộc trò chuyện thay cho lời nói hoặc sử dụng các biểu tượng cảm xúc thay cho hành động bật camera. Nếu bạn cảm thấy không biết phải nói gì trong thời điểm thảo luận, bạn có thể viết ra ý tưởng của mình và sau phiên thảo luận, bạn có thể đăng chúng lên diễn đàn ViVEXELT.

Nhằm bổ trợ cho các phiên thảo luận đồng bộ (synchronous sessions), chúng tôi được yêu cầu hợp tác không đồng bộ (collaborate asynchronolously) bằng cách xây dựng một giáo án kỹ năng Nói với chủ đề là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (Sustainable Development Goals – SDG). Chúng ta đều biết rằng làm việc nhóm là một thử thách ngay cả trong môi trường lớp học truyền thống, vậy làm thế nào chúng ta có thể triển khai công việc trực tuyến với một nhóm gồm 08 thành viên? Thành thật mà nói, sự chênh lệch múi giờ cùng với những khác biệt về lịch làm việc đã khiến cho quá trình cộng tác trở nên thách thức hơn. Tính chất không bắt buộc của bài tập này cũng có thể dẫn đến những mức độ tham gia khác nhau, nhưng thật may mắn, chúng tôi đã tìm thấy “điểm chung” để cùng nhau soạn giáo án. Chúng tôi đã thiết lập cuộc họp nhóm trên nền tảng họp trực tuyến Google Meet, tạo các văn bản trực tuyến với nền tảng Google Tài liệu và cùng trao đổi ý kiến ​​về những thông tin của giáo án như người học, mục tiêu SDG cần lựa chọn, mục tiêu bài học và những hoạt động chính trong tiết học. Trong suốt quá trình thảo luận và đưa ra quyết định, những kinh nghiệm bản thân về các hoạt động xây dựng bài, về người học và về nền tảng học trực tuyến cùng những quan niệm và ngữ cảnh giảng dạy cũng đã được chúng tôi thảo luận sôi nổi.

Có một khoảnh khắc đầy thú vị diễn ra ở thời điểm 01 ngày trước hạn nộp bài mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Tất cả chúng tôi đã cùng chỉnh sửa tài liệu và để lại ghi chú cho nhau cùng tại một thời điểm trên một văn bản. Bạn có thể tưởng tượng được chúng tôi đã phấn khích như thế nào khi nhìn thấy rất nhiều biệt hiệu và màu sắc vui nhộn xuất hiện cùng lúc trên nền tảng Google Tài liệu. Đây chính là một khởi đầu thành công và nó cho thấy tiềm năng cho các dự án hợp tác trong tương lai.

3. Các công cụ giảng dạy số

Trong dự án, chúng tôi đã có cơ hội sử dụng nhiều công cụ giảng dạy số có thể mang lại lợi ích cho các bài giảng trong tương lai. Hóa ra, chữ T trong cụm từ ViVEXELT ám chỉ đến phương diện Công nghệ (Technology) (chúng tôi chỉ nói vui một thôi đấy nhé!)

  • Nền tảng học tập trực tuyến Zoom (https://zoom.us/): Các phiên thảo luận của dự án đã diễn ra trên nền tảng Zoom. Đây là nền tảng đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra đại dịch, vì vậy hầu hết những thành viên tham dự đều không gặp trở ngại khi sử dụng nền tảng này. Ngoài tính năng camera và micro thông thường, nền tảng còn cung cấp các tính năng hữu ích như trò chuyện, phụ đề, giơ tay, chú thích, v.v.
  • Padlet (https://padlet.com/): Padlet là công cụ được sử dụng phổ biến thứ hai sau Zoom và là nơi ghi lại những suy nghĩ và câu trả lời của chúng tôi cho các câu hỏi trong các phiên thảo luận. Đây là một nền ảng rất dễ sử dụng và có tính thẩm mỹ cao. Padlet là một nền tảng tuyệt vời nếu bạn muốn tải lên tài liệu cho sinh viên của mình, tổ chức các phiên Hỏi & Đáp và cả các hoạt động nhóm.
  • IdeaBoardz (https://ideaboardz.com/): khá giống với Padlet nhưng cung cấp nhiều lựa chọn định dạng hơn. Điều này giúp công cụ IdeaBoardz trở thành một giải pháp hoàn hảo cho hoạt động suy nghĩ và so sánh các ý tưởng của học viên trong lớp. Thanh tìm kiếm được sử dụng để lọc ý tưởng cũng là một tính năng rất hữu íc.
  • AnswerGarden (https://answergarden.ch/): Giống như tên gọi của nó, AnswerGarden là một trong những công cụ tốt nhất để tổ chức các buổi hỏi đáp và thu thập phản hồi trong lớp học.
  • Adobe Spark (https://www.adobe.com/express/): AdobeSpark đã được giới thiệu với chúng tôi trong Phiên thảo luận số 3 và mặc dù thoạt đầu trông công cụ này có vẻ phức tạp, nhưng sau khi tìm hiểu rõ về nó, bạn có thể sử dụng công cụ này cho nhiều hoạt động khác nhau. Ví dụ: bạn có thể tạo các trang web, thêm hiệu ứng đồ họa và các video và vì lý do AdobeSpark có thể được chỉnh sửa bởi nhiều người (nhưng không đồng bộ), đây có thể là giải pháp lý tưởng cho các dự án nhóm.

4. Ý thức cộng đồng

Có lẽ trải nghiệm tuyệt vời nhất của dự án ViVEXELT chính là dù chỉ trong một thời gian ngắn, những người tham gia dự án như chúng tôi đều cảm thấy được kết nối (bất chấp khoảng cách về địa lý) và một cộng đồng trực tuyến thực sự đã được hình thành.

Cộng đồng này hình thành và phát triển thông qua các phiên thảo luận đồng bộ diễn ra vào Thứ Tư hàng tuần. Điểm nổi bật trong mỗi phiên là các cuộc thảo luận mà chúng tôi được trả nghiệm. Chúng tôi được bố trí ngẫu nhiên vào các phòng nhỏ trên nền tảng Zoom để thảo luận về một hoạt động hoặc trả lời một số câu hỏi được đưa ra. Việc bố trí ngẫu nhiên cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và trao đổi cùng những người bạn mới. Đây là một thật tuyệt vời khi mọi người đều mang đến rất nhiều “màu sắc” khác nhau trong các phòng thảo luận nhỏ. Chúng tôi đều cảm nhận thời gian trôi đi nhanh hơn khi cùng nhau chia sẻ về những kinh nghiệm giảng dạy, các bối cảnh giáo dục và các mẹo hay giúp quản lý lớp học trực tuyến.

Điều đã khiến chúng tôi trở nên gắn kết hơn có lẽ là những khó khăn trong hành trình giảng dạy trực tuyến mặc dù giữa chúng tôi có rất nhiều điểm khác biệt về quốc gia và bối cảnh văn hóa, từ việc học sinh không tích cực tham gia vào bài học cho đến bản thân chúng tôi cảm thấy chưa sàng sàng cho việc giảng dạy trực tuyến. Đây là một trả nghiệm thật tuyệt khi chúng tôi được giao lưu với các đồng nghiệp và cảm thấy những thách thức mà chúng tôi đang gặp phải khi giảng dạy trực tuyến cũng đồng điệu với những người bạn quốc tế.

Sau mỗi buổi học, chúng tôi có thêm cơ hội chia sẻ những gì chúng tôi thu nhận được và cùng chiêm nghiệm về kinh nghiệm giảng dạy của bản thân trên diễn đàn Open Moodle. Mọi người sẽ thảo luận về vấn đề của mình và những người khác sẽ cùng đưa ra các giải pháp và đề xuất đóng góp. Một số thành viên tham dự đã chia sẻ những quan niệm giảng dạy của bản thân và chúng tôi cùng nhận thấy rằng rất nhiều đồng nghiệp quốc tế khác cũng cùng chung ý tưởng. Với bất cứ chủ đề thảo luận nào, chúng tôi cũng luôn tìm thấy những người bạn đồng hành. Điều này tạo ra một cảm giác cộng đồng, một cảm giác thân thuộc, một cảm giác rằng chúng tôi không hề đơn độc.

Một lời cuối chúng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này rằng

Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ dự án ViVEXELT vì họ đã làm việc chăm chỉ và cống hiến rất nhiều trong việc đưa dự án này đến với chúng tôi. Họ đã hoàn thành công việc xuất sắc trong việc tổ chức các phiên thảo luận, luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi cũng như phân tích các lập trường quan điểm. Chúng tôi muốn cảm ơn các bạn đã mang lại cho chúng tôi cơ hội để chiêm nghiệm về những trải nghiệm của chúng tôi trong khoảng thời gian đầy biến động của dịch bệnh này và kết nối chúng tôi tớ một cộng đồng gồm các giáo viên và sinh viên mới. Dự án này đã giúp chúng tôi tự tin hơn trong công tác giảng dạy trực tuyến và chúng tôi cũng được trang bị tốt hơn về các phương pháp quản lý lớp học số cùng các công cụ tương tác trên lớp học. Với nhiều giai đoạn hơn nữa của dự án ViVEXELT trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng thực hành về Giảng dạy Tiếng Anh giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phát triển và có thể giúp đỡ các giáo viên trên toàn thế giới.

Một lời nhắn gửi tới những người tham dự dự án trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nhận được nhiều kiến ​​thức, kỹ năng và sự tự tin từ dự án ViVEXELT. Hãy tham gia các cuộc thảo luận, làm quen với những đồng nghiệp mới và làm việc, chiêm nghiệm về hành trình của chính bản thân mình. Một cuộc hành trình đầy thú vị đang chờ đón các bạn ở phía trước!

Tài liệu tham khảo:

Moorhouse, B. & Li, Y. & Walsh, S. (2021). E-Classroom Interactional Competencies: Mediating and Assisting Language Learning During Synchronous Online Lessons. RELC Journal. 10.1177/0033688220985274.