About Marina Orsini-Jones

Giáo sư Marina Orsini-Jones

Giáo sư Marina Orsini-Jones là giáo sư chuyên ngành về Giáo dục Thực hành – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn và đồng thời cũng là chuyên gia nghiên cứu cho Trung tâm Học tập Toàn cầu (GLEA) tại Đại học Coventry (Vương quốc Anh). Giáo sư Marina Orsini-Jones tập trung nghiên cứu quá trình quốc tế hóa các chương trình giảng dạy thông qua hệ thống Học tập Tương tác Trực tuyến Quốc tế (Collaborative Online International Learning – COIL)/ Trao đổi Ảo (Virtual Exchange – VE) và giáo sư đã tham gia vào tiến trình đổi mới trong việc học và giảng dạy ngôn ngữ từ những năm 1980. Giáo sư thường xuyên triển khai nghiên cứu hành động (action research) về phương pháp luận sư phạm đối với khái niệm ngưỡng (thresholds concept) và đã tổ chức nhiều hội nghị khác nhau tại Đại học Coventry và các hội thảo cho các tổ chức giáo dục đại học khác ở cả Vương quốc Anh và trên thế giới. Giáo sư đã thuyết giảng tại hơn 100 hội nghị trong nước và quốc tế và là thành viên của ban biên tập của nhiều tạp chí và hội nghị.

Giáo sư Marina Orsini-Jones đã quản lý nhiều dự án và nhóm nghiên cứu hành động. Năm 2013, giáo sư đã được trao giải thưởng National Teaching Fellowship từ Học viện Giáo dục Đại học (Higher Education Academy – HEA) tại Vương quốc Anh ghi nhận những đóng góp trong công việc đổi mới ngôn ngữ và ngôn ngữ học trong nước và quốc tế của giáo sư. Năm 2016, giáo sư được trao giải thưởng Principal Fellowship ghi nhận những vai trò lãnh đạo chiến lược của giáo sư đối với ngành giáo dục đại học tại Vương quốc Anh. Cộng tác với các đồng nghiệp của mình tại Viện Khoa học Xã hội Nhân văn và trung tâm GLEA, giáo sư đã thiết lập các hợp tác nghiên cứu và trao đổi COIL với các đối tác tại Brazil, Trung Quốc, Pháp, Mexico, Hà Lan, Tây Ban Nha, Sri Lanka và bây giờ là Việt Nam với dự án ViVEXELT do Hội đồng Anh tài trợ và nhóm Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam hỗ trợ.

Giáo sư Marina Orsini-Jones đã xuất bản các công trình nghiên cứu về những lĩnh vực như: Trao đổi ảo, kiến thức số, lập kế hoạch phát triển cá nhân, năng lực giao tiếp đa văn hóa và các khái niệm ngưỡng cùng các sinh viên của mình. Giáo sư luôn kiên định với công tác chiêm nghiệm (reflection) quá trình thực hành của bản thân thông qua ‘lăng kính’ góc nhìn của sinh viên (ví dụ như công trình ‘Hướng tới mô hình đảo ngược dưới góc độ nghiệp vụ sư phạm với khái niệm ngưỡng’ vào năm 2014 và đồng công trình nghiên cứu cùng tác giả Fiona Lee ‘Năng lực giao tiếp đa văn hóa để trở thành công dân toàn cầu’ vào năm 2018).

Công trình gần đây nhất của giáo sư (tính từ năm 2017 cho đến nay) liên quan đến việc tích hợp các khóa học trực tuyến đại chúng mở (Massive Open Online Courses – MOOCs) có sẵn trên hệ thống học trực tuyến FutureLearn vào chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh kết hợp với VE nhằm khuyến khích sinh viên Anh ngữ chiêm nghiệm lại thực tiễn và quan niệm của bản thân đối với quá trình học tập và giảng dạy trong quá trình trải nhiệm (reflection-in-action), về trải nghiệm đã diễn ra (reflection-on-action) và cho trải nghiệm tương lai (reflection-for-action) cùng với các cộng đồng thực hành quốc tế: ví dụ: ấn phẩm nhận được giải thưởng English Language Teaching Research Award (ELTRA), do Hội đồng Anh tài trợ, có sẵn tại đây: https://www.teachingenglish.org.uk/article/b-meltt-blending-moocs-english-language-teacher-training

Giáo sư Marina Orsini-Jones là đồng nghiên cứu viên chính của dự án ViVEXELT hợp tác cùng Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Thúy – Nghiên cứu viên chính, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Orcid:  https://orcid.org/0000-0001-5250-5682